CHĂM SÓC CHÓ MÈO TRƯỚC VÀ SAU KHI PHẪU THUẬT

Nếu chó mèo của bạn được bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật, thì dù đó là ca phẫu thuật triệt sản, mổ đẻ, cắt tử cung hay mổ sạn bàng quang,… thì việc đầu tiên cần làm là bạn cần nắm rõ kiến thức cơ bản và cần thiết về cách chăm sóc chó mèo trước và sau khi phẫu thuật để đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho mấy bé, đồng thời cũng giúp ca mổ thành công hơn.

 1. Chăm sóc chó mèo trước khi phẫu thuật

Để đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ nhất, bạn không nên cho chó mèo ăn no trước khi phẫu thuật. Bạn phải cho chó mèo nhịn ăn từ 10 – 12 tiếng trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên có những trường hợp khẩn cấp, những ca mổ gấp không báo trước, do không có nhiều thời gian chờ đợi thì bác sĩ sẽ vẫn tiến hành mổ.

Nên cho chó mèo đi vệ sinh sạch sẽ trước ca mổ.

Hãy đảm bảo chó mèo đủ sức khỏe để vượt qua ca mổ bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng và chất đề kháng tốt nhất cho mấy bé qua thức ăn hay thuốc điều trị. Nếu chó mèo yếu và sức đề kháng kém sẽ khó vượt qua ca mổ và phần lớn dễ mất sau đó do ảnh hưởng từ thuốc mê.

Lưu ý: không triệt sản (thiến cái hay thiến đực) cho chó mèo trong thời gian chó mèo đang lên giống (động dục) hay có dấu hiệu động dục. Vì trong thời gian này, mạch máu của chó mèo cương cao, nếu bạn triệt sản trong thời gian này thì rủi ro đi kèm sẽ khá cao và gây nguy hiểm đến tính mạng của bé.

2. Chăm sóc chó mèo sau khi phẫu thuật

2.1. Không chở bé về nhà ngay sau khi phẫu thuật

Sau ca phẫu thuật, hãy đợi chó mèo tỉnh thuốc mê rồi mới chở chó mèo về nhà. Không cần phải tỉnh hẳn, chỉ cần chó mèo có thể ngóc đầu dậy cựa quậy qua lại là có thể chở về nhà được rồi. Không chở bé về khi bé còn đang hôn mê, điều đó rất nguy hiểm đến tính mạng của bé.

2.2. Chích thuốc hậu phẫu

Khi chó mèo chưa tỉnh thuốc mê – nghĩa là chưa tự ngóc đầu dậy cựa quậy được thì bạn không nên để bác sĩ thú y chích thuốc hậu. Vì có nhiều trường hợp bác sĩ thú y hay kỹ thuật viên rất ẩu đã không coi trọng khâu này, sau ca phẫu thuật bé vẫn còn mê man vẫn chích thuốc cho bé cho xong. Chích thuốc trong trường hợp này gây ra khả năng tử vong rất cao cho mấy bé. Bởi vì cơ quan bên trong của các bé vẫn chưa hoạt động lại bình thường nên tiêm thuốc vào rủi ro sẽ rất cao.

Chích hậu phẫu cho chó mèo mỗi ngày sau khi mổ, thời gian từ 7 – 10 ngày. Nhanh nhất thì 7 ngày hoặc chậm hơn thì 10 ngày bé sẽ được cắt chỉ nếu vết thương lành tốt.

Bạn không nên thấy bé khỏe mạnh sau ca mổ vài ngày mà nghĩ bé không sao và không mang bé đi chích hậu phẫu nữa. Điều này rất nghiệm trọng và rủi ro rất cao ảnh hưởng đến tính mạng của bé. Vì mục đích chích hậu phẫu là ngăn ngừa vết mổ nhiễm trùng và bị viêm bên trong.

Với chó ta, chó cỏ – vốn sẵn có tính thích nghi và đề kháng cao có thể sẽ không sao (có thể thôi nha, không nên liều mà bỏ qua). Nhưng nếu là chó cảnh và mèo cảnh mà không được chích hậu phẫu và theo dõi vệ sinh vết mổ mỗi ngày thì nguy cơ dẫn đến tử vong sẽ rất cao.

2.3. Đảm bảo nhiệt độ

Sau khi phẫu thuật, cơ thể của các bé có thể vẫn còn mệt mỏi vì gây mê. Đây là thời gian bạn cần quan tâm chú ý nhất. Không quá vuốt ve, ôm ấp mà để bé nằm yên tĩnh dưỡng, nên giữ ấm nhiệt độ cho bé trong khoảng 23 – 26 độ trong 48 giờ đầu. Không để nhiệt độ thấp hơn vì đó sẽ là môi trường có lợi cho vi khuẩn. Không cho bé chạy ra ngoài đặc biệt là khi trời lạnh. Nếu các bé không ăn gì, hãy để bên cạnh một bát nước đường và cho bé uống để ngăn ngừa hạ thân nhiệt.

2.4. Chế độ dinh dưỡng

Không cho chó mèo ăn uống sau khi phẫu thuật. Hãy đợi 4 – 8 tiếng sau hãy cho chó mèo ăn. Sau 4 tiếng sau khi phẫu thuật, bạn có thể cho chó mèo uống nước. Bạn cũng có thể cho chó mèo ăn nhẹ lúc này, nhưng hãy cho ăn ít thôi và đồ ăn phải mềm như cháo thịt, gel dinh dưỡng cho chó mèo.

Trong trường hợp chó mèo yếu và biếng ăn, bạn nên cho chó mèo ăn gel dinh dưỡng. Vì cho ăn gel sẽ đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, vitamin,…sẽ giúp cho chó mèo mau hồi phục, kích thích chó mèo thèm ăn và chống suy nhược.

Nếu chó mèo suy nhược bỏ ăn, bạn cũng không phải quá lo vì trong gel cũng có đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Bạn có thể bóp gel ra ngón tay và chét thẳng lên miệng cho bé liếm luôn, nếu bé yếu không tự ăn được.

  • Lưu ý:

– Cho chó mèo ăn thức ăn mềm và dễ tiêu hóa

– Thức ăn nên có nhiều đạm và chất dinh dưỡng như cháo thịt băm, cháo thịt bò và gel dinh dưỡng

– Cho chó mèo ăn nhiều cữ và ko nên ăn quá no một lần

2.5. Nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh

Chó mèo sau khi phẫu thuật sẽ rất yếu, bạn nên bế nhẹ nhàng và để chó mèo yên, lót chăn ổ ấm cho bé nằm. Không nên ôm ấp nhiều khi bé còn yếu. Không để bé chạy giỡn, cắn nhau hay hoạt động mạnh. Nếu bé hay sủa và hung dữ khi gặp người lạ thì không nên để bé gặp người lạ trong khi phẫu thuật.

 2.6. Cách cho uống thuốc

Quá trình trong và sau phẫu thuật, các bác sĩ thú y có thể kê cho thú cưng của bạn thuốc giảm đau để thoải mái, dễ chịu hơn. Nhưng không phải lúc nào chúng cũng dễ dàng nuốt ngay vài viên thuốc. Bí quyết là hãy ẩn viên thuốc vào trong một miếng bánh, một con cá,… để chúng ăn. Sau phẫu thuật, thú cưng thường được mặc áo rộng hoặc quàng khăn để ngăn liếm vào vùng phẫu thuật

2.7. Cách ly với các động vật khác trong nhà

Quan sát thú cưng của bạn một cách đặc biệt trong 2 ngày sau khi phẫu thuật. Lưu ý phản ứng của chúng, theo dõi cách ăn uống, hành động và cả giấc ngủ. Nếu có những loài động vật khác trong nhà, thời gian này nên cách ly để tránh chúng va chạm, cào cấu lẫn nhau khi cơ thể chưa kịp hồi phục. Hãy đưa chúng đến bác sĩ thú y nếu phát hiện thú cưng của bạn ngủ li bì, bỏ ăn hoặc có những biểu hiện lạ như co rút người, sùi bọt mép,…

Trên đây là những điều bạn cần biết khi chăm sóc thú cưng của mình trong quá trình trước và sau khi phẫu thuật. Hy vọng bài viết này có thể giúp ích cho các bạn trong quá trình chăm sóc thú cưng của mình để giúp các bé mau chóng bình phục cũng như không xảy ra những điều đáng tiếc.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.
X